Lập lại trật tự môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long

Sau hơn 3 tháng chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long từ Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long sang UBND TP Hạ Long, công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh đã đạt được nhiều kết quả đáng nghi nhận. Đặc biệt là tình trạng đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong, chặt chém giá dịch vụ đã cơ bản dẹp bỏ.


Du khách an tâm khi đến với Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu

Những năm trước đây, mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực trong công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động du lịch nói chung trên Vịnh Hạ Long, thế nhưng, có thể thấy, tại một số điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trên Vịnh tình trạng cò mồi, ăn xin, đeo bám khách du lịch… vẫn còn xảy ra, thường tập trung nhiều nhất trong các dịp lễ, hội, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Hạ Long đối với nhân dân và du khách… Hơn nữa, tình trạng này cũng thường xuyên tái diễn.

Nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn, bất cập trong công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh du lịch. Đơn cử như các đoàn liên ngành do BQL Vịnh Hạ Long chủ trì tổ chức phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trước khi thành lập phải triệu tập, thông báo, tổ chức mất nhiều thời gian; cơ chế phối hợp cũng chưa thật sự hợp lý. Do đó, nên hiệu quả kiểm tra, xử lý chưa cao.

Trước thực tế này, ngày 25/11/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3736/QĐ-UBND về việc chuyển chức năng quản lý nhà nước vịnh Hạ Long từ BQL Vịnh Hạ Long sang UBND TP Hạ Long. Việc chuyển giao này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức hiệu quả các hoạt động trên Vịnh Hạ Long để phát huy, bảo tồn tốt nhất các giá trị của Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Việc chuyển đổi này bước đầu đã cho hiệu quả. Để lập lại trật tự hoạt động của các tàu du lịch chở khách tham quan trên Vịnh Hạ Long, thời gian vừa qua lực lượng liên ngành của TP Hạ Long liên tục tổ chức tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm việc đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong hay việc các tàu chạy sai luồng tuyến.

Theo thống kê của UBND TP Hạ Long từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý hơn 50 trường hợp tàu du lịch đeo bám khách… Điển hình như trong ngày 13/1, UBND TP Hạ Long đã đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đình chỉ hoạt động 6 tàu du lịch do có hành vi để các tàu, mủng đeo bám vào phương tiện của mình bán hàng hóa. Gần đây nhất, vào ngày 26/2, lực lượng giám sát của UBND TP Hạ Long đã đi kiểm tra phát hiện 1 tàu du lịch nghỉ đêm (đang chở 32 khách tham quan nước ngoài) có hành vi chạy sai luồng tuyến. Ngay sau đó, UBND TP Hạ Long đã đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa đình chỉ hoạt động, không cấp phép rời cảng đối với tàu này.


Các dịch vụ trên Vịnh Hạ Long đang đi vào nề nếp

Để tránh tình trạng tăng giá các dịch vụ du lịch, đảm bảo quyền lợi cho du khách khi đến với Hạ Long, chính quyền thành phố đã đẩy mạnh công tác kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống nâng ép giá, gian lận thương mại tại các điểm du lịch, cảng tàu du lịch. Nhất là vào dịp cao điểm, các lực lượng chức năng của thành phố đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý việc bán hàng rong, vứt xả rác trên Vịnh; kiểm tra dịch vụ chèo đò trên Vịnh; triển khai các biện pháp quản lý thuế đối với tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch.

Mới đây trong quá trình kiểm tra giám sát trên Vịnh, lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện một thuyền viên trên sàn lan QN-7050 có hành vi xả rác xuống Vịnh Hạ Long. Ngay sau đó, thành phố đã chỉ đạo Công an TP Hạ Long vào cuộc xử lý nghiêm.

Bên cạnh việc lập lại trật tự hoạt động các tàu chở khách trên Vịnh, thời gian vừa qua, UBND TP Hạ Long đã tổ chức xử lý dứt điểm tình trạng các tàu xi măng của các cá nhân, doanh nghiệp neo đậu trái phép gây mất an ninh trật tự, cũng như ảnh hưởng đến cảnh quan trên vịnh Hạ Long. Đối với một số công trình hạ tầng kỹ thuật trên Vịnh Hạ Long, UBND thành phố đang tập trung khảo sát để nâng cấp, đầu tư bền vững, xứng tầm với giá trị của di sản thiên nhiên, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Mới đây, xét đề nghị của UBND TP Hạ Long, UBND tỉnh đã đồng ý cho thành phố khởi công cải tạo, sửa chữa hạng mục đường dẫn, sân khấu trong hang Đầu Gỗ. Việc sửa chữa diễn ra từ ngày 1/3/2016 đến 30/4/2016. Sau khi sửa chữa một số hạng mục tại hang Đầu Gỗ, tỉnh sẽ xem xét để TP Hạ Long tiếp tục cải tạo, sửa chữa động Thiên Cung.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: ” Thời gian tới, TP Hạ Long sẽ siết chặt quản lý các dịch vụ du lịch khác trên Vịnh Hạ Long như dịch vụ chèo đò tại khu vực Ba Hang; chèo thuyền kayak…đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, nguồn lực về tài chính tham gia đầu tư để xã hội hóa một số dịch vụ trên Vịnh Hạ Long, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến tham quan.

Đồng chí Phạm Hồng Hà cho biết thêm, thời gian tới UBND thành phố sẽ điều chỉnh lại Quy hoạch các điểm nuôi trồng thủy sản trên các luồng, tuyến của tàu vận chuyển khách tham quan và tại khu vực các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long… Đối với các đối tượng không đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản, neo đậu nhà bè tại các khu vực không được giao mặt nước, nhà bè nuôi trồng thủy sản không đúng quy cách hoặc nuôi trồng thủy sản kết hợp với kinh doanh trái phép sẽ xử lý nghiêm theo quy định hiện hành; kiên quyết di dời, phá dỡ đối với các nhà bè cố tình vi phạm. Hiện tình trạng giá cả các loại dịch vụ: vận chuyển khách tham quan trên Vịnh, dịch vụ ăn uống đã được thành phố kiểm soát. Thời gian tới vào mùa du lịch lượng khách sẽ còn tăng cao, chúng tôi sẽ kiên quyết không để xảy ra hiện tượng chặt chém giá, gây phản cảm làm xấu hình ảnh du lịch Hạ Long”.

Có thể nói với sự vào cuộc của UBND TP Hạ Long công tác quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh Hạ Long – Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới sẽ tiếp tục có những đổi mới mang tính đột phá.

Bài: Báo Quảng Ninh, ảnh: T. Sơn